Vợ một bệnh binh nặng (1/3) vừa chăm chồng vừa dạy con thành đạt

  • Cập nhật: Thứ tư, 18/10/2023 | 3:30:15 PM

Cô giáo Bùi Thị Khen tại Lễ Tổng kết năm học trường THCS xã Hữu Lợi, huyện Yên Thuỷ
Cô giáo Bùi Thị Khen tại Lễ Tổng kết năm học trường THCS xã Hữu Lợi, huyện Yên Thuỷ

 

      Đó là chị Bùi Thị Khen, sinh năm 1963 tại xóm Yên Sơn, thị trấn Hàng Trạm huyện Yên Thủy. Chị là giáo viên tiểu học vừa được nghỉ hưu hơn hai năm, chị đã hơn 57 tuổi nhưng trời phú cho chị sức khỏe và nghị lực để vượt qua giông bão cuộc đời, về được bến bờ bình yên hôm nay.

       Tôi biết thông tin về chị qua người bạn thân là anh Phạm Văn Lành, cố Hiệu trưởng THPT Yên Thủy A, cũng là anh chồng chị Khen. Và Tôi đã đọc tập sách ảnh "Đền ơn đáp nghĩa” do Ban chỉ đạo phong trào Chăm sóc người có công với cách mạng và Xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa tỉnh Hòa Bình xuất bản nhân ngày Thương binh, liệt sỹ 27/7/2002. Và may mắn tôi được gặp, trò chuyện với chị tại Đại hội đại biểu Cựu giáo chức tỉnh Hòa Bình tổ chức tháng 12/2019.

       Chỉ bằng ấy thông tin thôi cũng đủ để tôi và những ai làm Khuyến học đều trân quý một cô giáo tiểu học, nhỏ nhắn, nhanh nhẹn và bản lĩnh đến thế. Chúng tôi gọi chị bằng cái tên cô Tấm thời nay đã làm được những việc tưởng như không thể:

       Chăm sóc chồng là bệnh binh nặng (1/3) với chứng thần kinh, thay chồng nuôi dạy hai con nhỏ nay đã thành đạt, vẫn phải hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một cô giáo.

        Sau những năm dài đau đớn trước hoàn cảnh nghiệt ngã ấy, bằng nghị lực và tình yêu thương của mình, chị đã vượt qua tất cả và chị được nhận lại những gì mình đã hy sinh: Chồng chị trở lại thành người bình thường. Hai con đều có trình độ đại học, có việc làm và thu nhập ổn định. Chị đã có năm cháu nội ngoại khỏe mạnh xinh xắn, có cháu đạt giải Nhì cuộc thi viết chữ đẹp cấp huyện.Trang đời dạy học, chăm chồng và nuôi con của chị dược khái quát sau:

         Sau khi ra trường, chị được điều về dạy học tại xã Yên Nghiệp huyện Lạc Sơn được một năm thì chị đem lòng yêu thương và kết hôn với chàng sỹ quan công binh cao to, hiền hậu Phạm Văn Nội, cũng là người cùng làng. Một năm sau, tình yêu đơm hoa kết trái và bé trai kháu khỉnh chào đời. Năm sau nữa là bé gái xinh xắn ra đời. Hạnh phúc đang đong đầy thì vài năm sau đó tai họa ập đến: chồng chị bị bệnh thần kinh, đơn vị gửi về cho gia đình chăm sóc chữa trị. Cũng từ đây, tiếng cười tắt ngấm trên môi và giọt nước mắt luôn chảy vào trong. Với chứng bệnh thần kinh của chồng mình, chị Khen ngày đêm phải sống trong lo sợ với những hành động kỳ quặc của người bị mắc chứng bệnh này. Người thân trong gia đình chồng có lúc định gửi anh xuống trại thương binh C (nơi chăm sóc điều trị cho những thương bệnh binh bị tâm thần).

Với tình yêu thương chồng rất mực, chị quyết định vẫn để anh ở nhà để tự mình chăm sóc. Và rồi năm tháng qua đi, mấy chục năm không gục ngã, chị đã thành công. Người chồng mà chị rất mực yêu thương đã được tái sinh trở lại gần như người bình thường. Với tái tim nhân hậu ấy, chị đã được Bộ LĐTB&XH tặng Bằng khen, được các cấp mời đi dự hội nghị điển hình về thương bệnh binh và người chăm sóc thương bệnh binh tiêu biểu của tỉnh.

         Với hai đứa con yêu mà chị sinh hạ chúng trong hoàn cảnh như thế, chị càng thương con đến quặn lòng. Thế là chị dồn hết nghị lực và tình thương để bù đắp cho con. Lợi thế là giáo viên, chị Khen biết mình phải làm gì. Từ việc hướng dẫn con tự học và tự lao động phục vụ đến việc phân công cho con giúp mẹ một cách hợp lý nên các con chị đều vượt qua sự mặc cảm của con trẻ cùng trang lứa mà nỗ lực học tập. Hai con đã không phụ công mẹ. Mười hai năm học phổ thông cả hai con chị đều liên tục đạt danh hiệu Tiên tiến hoặc học sinh Giỏi. Con trai cả, Phạm Thế Linh, tốt nghiệp trường sỹ quan tăng thiết giáp, nay đã mang quân hàm Thiếu tá, làm Phân kho Trưởng, Phân kho C thuộc đơn vị KT 789. Con gái út: Phạm Thu Hằng, tốt nghiệp loại khá Đại học sư phạm Thái Nguyên, nay là giáo viên tin học trường THPT Yên Thủy A.

       Nhưng điều làm chúng tôi cứ băn khoăn là làm sao, một phụ nữ nhỏ nhắn và không nhận được sự trợ giúp vật chất gì từ hai bên nội ngoại, phải hoàn toàn tự lập, lại có thể vượt qua giông bão cuộc đời như vậy. Chẳng những thành công trong chăm sóc chồng, đem lại cho chồng mình những gì thuộc quyền con người mà trước đó bệnh tật đã lấy đi gần hết. Chị lại cùng lúc thành công trong nuôi dạy con trưởng thành. Và cùng lúc chị thắt lưng buộc bụng xây dựng được ngôi nhà hai tầng với diện tích mặt sàn khoảng 120 m2. Và cùng lúc chị vẫn là tổ trưởng chuyên môn tổ 4, 5 dày dạn kinh nghiệm. Một cống hiến với ngành mà không phải nhà giáo nào cũng có, đó là chị đã vượt khó để vươn lên dạy giỏi. Chị vinh dự đạt được Danh hiệu "Giáo viên dạy Giỏi” các cấp liên tục mười năm, trong đó có ba năm đạt Danh hiệu "Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh”.

         Tôi đã nói với chị Khen điều đó và được chị trả lời một cách khiêm nhường là "Vào hoàn cảnh đó thì ai cũng phải cố mà vượt qua thôi”. Tôi lại hỏi chị làm sao mà chị định hướng cho con trai, con gái chọn ngành lập nghiệp và chúng đều thành công ? Chị trầm ngâm một lát, dường như ký ức như thước phim quay chậm ùa về. Chị nói vì không thể trông chờ vào ai nên buộc lòng phải thay chồng định hướng cho con chọn nghề lập nghiệp. Và chị kể rằng: Tôi đã tìm mua cuốn "Những điều cần biết về tuyển sinh”. Đêm đêm khi giáo án soạn xong, khi chồng không hò la đập phá nữa thì tôi chuyên tâm nghiên cứu xem nên bàn với con thi vào trường nào. Rồi tôi làm hồ sơ cho con trai vào trường sỹ quan Tăng thiết giáp. Con gái vào khoa tin của Đại học Thái Nguyên. Chừng ấy năm nuôi hai con học Đại hoạc là chừng ấy năm tôi thắt lưng buộc bụng. Mỗi đêm chỉ ngủ khoảng ba giờ là cùng. Tôi nuôi lợn, trồng hoa màu như một nông dân thực thụ. Mỗi năm bán được bốn lứa lợn con, mỗi lứa được một triệu đồng theo thời giá bấy giờ.

         Nghe chị kể, bất giác tôi nhớ câu thơ của nhà thơ Tố Hữu "Mỗi con người nhấp nhánh một ngôi sao”. Có lẽ chị Khen cũng là một người như vậy./.

 

                                                                                             Vũ Mạnh Tùng

                                                                                     Hội Khuyến học huyện Yên Thủy


Các tin khác
Ảnh: Chị Nguyễn Thị Ngọc Xuyến, xóm Hải Phong, xã Bắc Phong

Trong những năm qua, phong trào khuyến học đã và đang được quan tâm, chú trọng, đẩy mạnh thực hiện trên địa bàn xã Bắc Phong. Từ phong trào đã xuất hiện những tấm gương xuất sắc tiêu biểu, Chị Nguyễn Thị Ngọc Xuyến, xóm Hải Phong, xã Bắc Phong là một tấm gương cán bộ có nhiều đóng góp cho cộng đồng góp phần hoàn thành tiêu chí “2.3. Tỷ lệ đường ngõ, xóm sạch và đảm bảo đi lại thuận tiện quanh năm” trong bộ tiêu chí xây dựng Nông thôn mới.

Ảnh: Em Nguyễn Duy Phong với tấm huy chương vàng quốc tế MOSWC( Ảnh tư liệu )

Em Nguyễn Duy Phong, thường trú tại tổ 8 phường Đồng Tiến - Thành phố Hoà Bình, là sinh viên năm thứ tư ngành khoa học máy tính trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Ảnh: Chị Hồng Nhung cùng các bạn nhỏ tại thư viện

Chị Nguyễn Hồng Nhung là một trong những tấm gương học tập điển hình của toàn tỉnh đã vinh dự được trao học bổng "Học không bao giờ cùng”. Câu chuyện của chị đã truyền cảm hứng cho những ai quan tâm đến văn hóa đọc, đồng thời lan tỏa nguồn năng lượng tích cực trong cộng đồng, là minh chứng sống động cho tư tưởng "Học không bao giờ cùng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự