Mô hình “Dòng họ học tập” góp phần thúc đẩy xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hòa Bình
- Cập nhật: Thứ năm, 2/1/2025 | 9:03:31 AM
KHHB -
![]() |
Ảnh: Ban Khuyến học dòng họ Bạch Công, xã Tú Sơn
(Kim Bôi) họp bàn về các nhiệm vụ trọng tâm trong năm.
|
Có thể nói, chủ thể để xây dựng Nông thôn mới chính là người nông dân,
lao động nông thôn. Sự tham gia của người dân vào việc xây dựng nông thôn mới
được coi như nhân tố quan trọng, quyết định sự thành bại của việc áp dụng
phương pháp tiếp cận phát triển dựa vào nội lực và do cộng đồng làm chủ. Khi
tham gia vào quá trình xây dựng nông thôn mới, với sự hỗ trợ của nhà nước,
những đối tượng này cần được trang bị đầy đủ những kiến thức, kỹ năng, năng lực
về quản lý nhằm tận dụng triệt để các nguồn lực tại chỗ và bên ngoài. Vì vậy
điều kiện tiên quyết chính là người dân phải tích cực học tập, trau dồi, trao
đổi kinh nghiệm; hướng bản thân đến sự hoàn thiện cao nhất có thể. Nhiệm vụ này
đã được cụ thể hóa trong bộ tiêu chí xây dựng các mô hình học tập.
Một trong những mô hình có vai trò quan trọng góp phần xây dựng nông thôn
mới từ cơ sở chính là "Dòng họ học tập”.
Để làm
sâu sắc thêm về vấn đề xây dựng dòng họ học tập, trước hết cần bàn thêm về mặt
lý luận: Dòng họ có vai trò như thế nào trong việc thúc đẩy phong trào học tập
suốt đời góp phần xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Theo Bách khoa
toàn thư: Dòng họ là một tổ chức chặt chẽ, có kỷ luật. Được hình thành như một
tổ chức của những người có chung huyết thống, cùng một ông tổ sinh ra. Mỗi dòng
họ có từ đường riêng, có phần mộ tổ tiên, có tộc trưởng, trưởng chi. Trong cùng
dòng họ có sự tương thân, tương ái; giúp đỡ lẫn nhau về vật chất và tinh thần...
Dòng họ phát triển thì làng xã phát triển. Các dòng họ hợp thành bách tính,
thành toàn dân.
Dòng họ có tính
cố kết bền chặt theo không gian, thời gian. Dù địa phương, làng xã có sáp nhập,
chia tách; dù người trong dòng họ có đi làm ăn xa vẫn nhớ về dòng họ.
Trong thời đại
4.0, xã hội hiện đại, giới trẻ ngày càng có xu hướng mai một ý thức về truyền
thống, cội nguồn. Họ ít có sự giao tiếp truyền thống mà thay bằng các thiết bị
công nghệ như điện thoại di động, internet... Do vậy, cùng với các hoạt động
khác, hoạt động khuyến học, khuyến tài trong gia đình, dòng họ đã có tác dụng
quan trọng trong việc giáo dục giới trẻ tinh thần tự hào, tự tôn, hướng về cội
nguồn tổ tiên, dòng họ, đất nước.
Ở Việt Nam hiện
có 1023 họ. Mỗi họ khi thành lập cây gia phả thì hình thành các chi nhánh dòng
họ. Do vậy, từ 1023 họ, ở Việt Nam có rất nhiều chi họ, dòng họ. Phong trào thi
đua xây dựng các dòng họ học tập về thực chất, đơn vị của dòng họ đăng ký thi
đua thường là một chi nhánh và nếu các đơn vị ấy đạt được đủ các tiêu chí thì
được phong danh hiệu "Dòng họ học tập”. Kế thừa sự hiếu học, dòng họ học tập
ngày nay được phát triển qua phong trào khuyến học, học tập suốt đời. Sự vận động
nhân dân học tập tại một địa bàn dân cư rất cần sự tác động tích cực của các
dòng họ.
1. Thực trạng các dòng họ, chi họ tại Hòa Bình
Hoà Bình là tỉnh
miền núi thuộc vùng Tây Bắc, là cửa ngõ phía Tây của Thủ đô Hà Nội, cửa ngõ
phía Đông của vùng Tây Bắc, có diện tích tự nhiên gần 4.600km2, đơn
vị hành chính bao gồm 9 huyện và 1 thành phố với 151 xã, phường, thị trấn. Dân
số trên 88 vạn người. Là một trong 9 tỉnh của Việt Nam có người Việt (Kinh) không chiếm đa số; đồng
thời tỉnh cũng được coi là thủ phủ của người Mường, vì phần lớn người dân
tộc Mường sống tập trung chủ yếu ở nơi đây (chiếm trên 63%); địa bàn cư trú của
người Mường ở khắp các địa phương trong tỉnh, sống xen kẽ với các dân tộc khác
gồm: Kinh, Thái, Tày, Dao, Mông, Hoa.
Giống như nhiều tỉnh, thành trong cả nước, nhất là các
tỉnh vùng núi Tây Bắc, ở Hòa Bình, văn hóa "Dòng họ” được coi
là nền tảng để xác lập nên những phẩm chất tốt đẹp của con người và đóng vai trò
quan trọng trong việc gìn giữ, phát huy những truyền thống tốt đẹp tại cộng đồng
sinh sống, trong phát triển các giá trị văn hóa, phát triển kinh tế, xã hội. Chính từ đây,
những giá trị như lòng trung thành, kính già, nhường trẻ, tôn sư trọng đạo, biết
ơn những thế hệ cha anh và trân trọng truyền thống đã được thấm nhuần trong văn hóa dòng tộc.
Ngày nay, các dòng họ ở Hòa Bình vẫn
còn mang đậm những giá bản sắc và hình thái tổ chức sinh sống tập trung, quần
cư tại những địa phương như trước đây; mỗi dòng họ có quy ước cụ thể và khá
riêng biệt nhằm gìn giữ, phát huy công đức của tổ tiên, phát
huy các giá trị truyền thống của họ tộc, trong đó có truyền thống hiếu học, làm tăng thêm thanh danh cho dòng họ,
gắn liền với sự phát triển của xã hội. Một trong những điểm chung dễ nhận thấy ở
các dòng họ tại Hòa Bình là vai trò của người đứng đầu. Đây là những người có
vai vế cao trong dòng họ, người có uy tín, hiểu biết và có sức ảnh hưởng quan
trọng đối với dòng họ. Vì vậy họ chính là đầu mối, là kênh giao tiếp chính thức
trong việc trao đổi, bàn bạc thống nhất các ý kiến chung trong và ngoài dòng họ.
Toàn tỉnh
hiện nay có trên 1.400 dòng họ và chi họ. Ngoài những họ lớn từ xưa của các đồng
bào dân tộc trong tỉnh như: Dòng họ Đinh, Quách, Bạch, Hà, Bùi, Xa... Có những
dòng họ, chi họ ở các vùng khác nhau của đất nước, không thuộc gốc tích ở Hòa
Bình, vì những lý do khác nhau họ định cư tại các địa phương trong tỉnh.
Các
dòng họ/chi họ được hình thành gồm 3 hình thái sau:
+ Dòng họ/chi
họ được hình thành từ các gia đình cùng huyết thống là dân bản địa cùng chung sống
trên địa bàn.
+ Dòng
họ/chi họ được hình thành từ các gia đình cùng huyết thống là dân ngoại tỉnh
cùng chung sống trên địa bàn.
+ Dòng
họ/chi họ được hình thành từ các gia đình không cùng huyết thống nhưng cùng họ
ở nhiều nơi đến cùng chung sống trên địa bàn.
* Một
số vấn đề khó khăn trong công tác duy trì và thúc đẩy các hoạt động học tập và
phấn đấu đạt danh hiệu "Dòng họ học tập” trong các dòng họ/ chi họ:
+ Một
số chi họ chưa có bản quy ước hoặc có thì khá sơ sài; nội dung, hình thức sinh
hoạt còn đơn điệu, chưa thường xuyên.
+ Phần
lớn người đứng đầu dòng họ là người đã cao tuổi, việc tiếp cận công nghệ thông
tin và cập nhật thông tin bị hạn chế.
+
Trong công tác khuyến học mới tập trung xây dựng quỹ khuyến học dòng họ để hỗ
trợ học sinh khó khăn và khen thưởng học sinh giỏi của dòng họ. Chưa quan tâm
nhiều đến học tập của người lớn.
+ Một
số dòng họ/ chi họ chưa có nhà thờ họ (từ đường) làm nơi sinh hoạt cộng đồng hoặc
lưu giữ những vật phẩm ghi danh thành tích truyền thống hiếu học của dòng tộc
nên địa điểm mỗi lần họp họ phải di chuyển đến gia đình có điều kiện hơn.
+ Công
tác đăng ký, bình xét, kiểm tra công nhận "Dòng họ học tập” hàng năm chưa bài bản
và chưa đi vào nề nếp.
Qua nghiên cứu tìm hiểu, từ những đặc điểm nêu trên, Hội Khuyến học tỉnh Hòa Bình đã xác định rõ, muốn xây dựng thành công xã hội học tập trên địa bàn tỉnh, bên cạnh việc phát triển các mô hình Gia đình, Cộng đồng, Đơn vị và Công dân học tập thì không thể coi nhẹ mô hình "Dòng họ học tập”. Đây có thể coi là một mô hình có sự liên kết, gắn kết chặt chẽ đối với các mô hình học tập còn lại, từ những giá trị văn hóa truyền thống của từng dòng họ, giá trị văn hóa bản địa hoàn toàn phù hợp với các tiêu chí phấn đấu cụ thể. Vì vậy, cần phải quan tâm củng cố và phát triển các dòng họ, chi họ thực hiện tốt phong trào học tập suốt đời góp phần xây dựng xã hội học tập từ cơ sở.
2. Một
số giải pháp củng cố và phát triển các dòng họ/ chi họ, đẩy mạnh phong trào học
tập suốt đời và xây dựng mô hình "Dòng họ học tập”.
Từ thực
trạng - những thuận lợi và khó khăn nêu trên, trong những năm gần đây, căn cứ
theo Bộ tiêu
chí đánh giá mô hình "Dòng họ học tập” của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam
đã hướng dẫn, đồng thời bám sát các văn bản, kế hoạch chỉ đạo của tỉnh, Hội
Khuyến học tỉnh Hòa Bình đã đề ra một số giải pháp nhằm phát huy những thuận lợi
và khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai xây dựng mô hình "Dòng họ học
tập”. Cụ thể:
(1). Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về
công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT và các tiêu chí "Công dân học tập”,
"Gia đình học tập”, " Dòng họ học tập” cho các thành viên trong họ, ôn lại truyền
thống khuyến học, khuyến tài của cha ông đời trước, gương khắc phục khó khăn để
học tập.
(2).
Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự chỉ đạo của Hội Khuyến học và sự phối
hợp, giúp đỡ của các đoàn thể và cộng đồng dân cư đối với các dòng họ trên địa
bàn.
(3).
Thành lập Ban vận động xây dựng dòng họ/chi họ để điều tra, tư vấn hình thành,
củng cố dòng họ/chi họ. Xây dựng, bổ sung Quy ước dòng họ/chi họ.
(4).
Thành lập Ban Khuyến học dòng họ; trong đó người đứng đầu phải hội đủ 3 điều kiện:
Tâm huyết - Hiểu biết - Đoàn kết và có sức ảnh hưởng nhất định trong dòng họ/
chi họ. Có kế hoạch hoạt động khuyến học của dòng họ được mọi gia đình trong
dòng họ tham gia.
(5). Động
viên người lớn trong dòng họ tham gia học tập tại các TTHTCĐ, tham gia các câu
lạc bộ phát triển cộng đồng tùy theo sở trường và sở thích hoặc chọn một số
hình thức học phù hợp khác.
(6).
Phải xây dựng được quỹ Khuyến học dòng họ và được sử dụng đúng mục đích, công
khai, minh bạch.
(7).
Đa dạng nội dung, hình thức sinh hoạt khuyến học của dòng họ. Tích cực trao đổi, học tập kinh nghiệm với dòng họ bạn trong và ngoài địa
phương.
(8). Tập huấn, hướng dẫn về tổ chức xét duyệt, công
nhận "Dòng họ học tập” cho cán bộ khuyến học cơ sở và trưởng dòng họ.
(9). Kịp thời tuyên dương, khen thưởng, nêu gương những
cá nhân, dòng họ thực hiện tốt phong trào, nhằm khích lệ động viên, tạo động lực,
tạo khí thế thi đua trong suốt quá trình phấn đấu đạt danh hiệu "Dòng họ học tập”.
3. Kết quả đạt được
Qua
nhiều năm kiên trì khắc phục những bất cập, khó khăn trong việc tổ chức thực hiện
phong trào học tập suốt đời trong các dòng họ của tỉnh Hòa Bình đã đạt được những
kết quả tích cực. Đến nay, toàn tỉnh có 1.142/ 1.458 (tỷ lệ 78,3%) dòng họ
thành lập được Ban khuyến học dòng họ/chi họ; 100% dòng họ/ chi họ có nhà thờ họ/từ
đường hoặc không gian sinh hoạt chung; 100% dòng họ đã xây dựng được quỹ khuyến
học; trên 70% dòng họ xây dựng được kế hoạch hoạt động khuyến học, khuyến tài hằng
năm; các hình thức sinh hoạt (họp họ) đã trở thành nền nếp; một số phong trào
do Hội khuyến học tỉnh phát động như: Phong trào Nuôi lợn nhựa tiết kiệm khuyến
học, phong trào Tiếng trống khuyến học, phong trào Ba đỡ đầu đã được hầu hết
các dòng họ/ chị họ triển khai thực hiện có hiệu quả.
Một
số dòng họ tiêu biểu ở Hòa Bình như: Dòng họ Bạch Công ở Tú Sơn, Kim Bôi; dòng
họ Bàn (dân tộc Dao) ở huyện Đà Bắc; dòng họ Bùi ở huyện Lạc Sơn; dòng họ Nguyễn
Uyên ở huyện Lạc Thủy; dòng họ Dương ở huyện Lương Sơn; dòng họ Hà Công (dân tộc
Thái) ở huyện Mai Châu; dòng họ Vũ Đình ở huyện Yên Thủy; dòng họ Đinh Công ở
huyện Tân Lạc; dòng họ Nguyễn ở thành phố Hòa Bình…
Đối
chiếu 5 năm trở lại đây chúng tôi nhận thấy các dòng họ học tập trên toàn tỉnh
đã đạt và vượt theo chỉ tiêu chung cả về số lượng và chất lượng thể hiện qua từng
năm:
Năm
|
2019
|
2020
|
2021
|
2022
|
2023
|
Tổng số
dòng họ trong tỉnh
|
1.455
|
1.455
|
1.458
|
1.458
|
1.458
|
Số DH được
công nhận "DHHT”
|
725
|
850
|
898
|
956
|
1.026
|
Tỷ lệ (%)
|
49,82
|
58,41
|
61,59
|
65,56
|
70,37
|
4. Phương hướng trong thời
gian tới
-
Tiếp tục củng cố và phát triển các dòng họ/chi họ theo hướng: Những dòng họ/chi
họ đã có cần bổ sung nội dung, hình thức hoạt động nhất là nội dung hoạt động về
khuyến học. Những nơi nào chưa có hoặc có ít dòng họ/ chi họ thì xây dựng các
chi họ mới.
-
Nâng cao nhận thức để mọi người dân thấy rõ mục tiêu của việc học tập là: "Học
để biết, học để làm, học để làm người và học để cùng chung sống”; thấy rõ xu thế
phát triển như vũ bão của thời đại văn minh công nghiệp và kinh tế thị trường,
vùng dân tộc vốn đã khó khăn nay càng khó khăn hơn từ đó tạo động cơ học tập
cho mọi người, mọi gia đình, mọi dòng họ.
-
Khuyến khích thói quen học tập đối với mọi người trên cơ sở quán triệt tinh thần
tự học, lấy tự học làm gốc.
-
Gắn phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng với nhiệm
vụ phát triển bền vững của địa phương về kinh tế, văn hoá-xã hội và bảo vệ môi
trường, với các phong trào xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, phong trào
xây dựng nông thôn mới...
- Tăng cường công tác kiểm tra, tư vấn. Trong đó, trọng tâm là tự kiểm tra so sánh với các tiêu chí Dòng họ học tập để phấn đấu. Công tác kiểm tra của cấp trên cần theo hướng tư vấn, động viên, khuyến khích, cầm tay chỉ việc./.
Đinh Văn Ổn
Phó Chủ tịch
Hội Khuyến học tỉnh Hòa Bình
Các tin khác

Hội Khuyến học tỉnh Hòa Bình tổ chức Hội nghị quán triệt bài viết của Tổng Bí thư về “Học tập suốt đời”; Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Kết luận số 123-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương.

Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm có bài viết "Học tập suốt đời". Hội Khuyến học tỉnh Hòa Bình xin giới thiệu bài viết của đồng chí Tổng Bí thư đến bạn đọc.