Xây dựng mô hình “công dân học tập” góp phần đảm bảo các tiêu chí xây dựng nông thôn mới
- Cập nhật: Thứ sáu, 7/2/2025 | 9:36:07 AM
KHHB -
![]() |
Ảnh: Lớp tập huấn sử dụng Bộ công cụ đánh giá, công nhận Công dân học tập do HKH tỉnh tổ chức.
|
1.
Chủ thể trong xây dựng Nông thôn mới
Có quan điểm cho rằng chủ thể
xây dựng nông thôn mới phải là chính quyền. Tuy nhiên, trên thực tế, người nông
dân mới thực sự là chủ thể xây dựng nông thôn mới. Trong môi trường làng xã, một
cá nhân hoàn toàn có thể hi sinh lợi ích của bản thân mình vì lợi ích tập thể.
Chính vì những nguyên nhân đó mà tổ chức hợp tác làng xã nông thôn trở thành một
cơ sở quan trọng cho sự nghiệp xây dựng nông thôn mới và thực hiện kinh doanh,
sản nghiệp hoá.
Nông thôn Việt Nam vốn có
truyền thống hợp tác, chính các tổ chức hợp tác nông thôn là nơi quy tụ tất cả
nông dân lại với nhau, nó là chủ thể đưa người nông dân thâm nhập vào thị trường
và tìm kiếm những lợi ích thị trường. Một khi tổ chức nông dân giành được lợi
ích thị trường, thì cũng có nghĩa là người nông dân hưởng thụ được những lợi
ích này.
Có thể nói, chủ thể để xây dựng
Nông thôn mới chính là người nông dân, lao động nông thôn. Sự tham gia của người
dân vào việc xây dựng nông thôn mới được coi như nhân tố quan trọng, quyết định
sự thành bại của việc áp dụng phương pháp tiếp cận phát triển dựa vào nội lực
và do cộng đồng làm chủ. Khi tham gia vào quá trình xây dựng nông thôn mới, với
sự hỗ trợ của nhà nước, những đối tượng này cần được trang bị đầy đủ những kiến
thức, kỹ năng, năng lực về quản lý nhằm tận dụng triệt để các nguồn lực tại chỗ
và bên ngoài. Vì vậy điều kiện tiên quyết chính là người dân phải tích cực học
tập, trau dồi, trao đổi kinh nghiệm; hướng bản thân đến sự hoàn thiện cao nhất
có thể. Nhiệm vụ này đã được cụ thể hóa trong bộ tiêu chí xây dựng mô hình Công
dân học tập, đặc biệt là tiêu chí phấn đấu dành cho nhóm đối tượng "Nông dân và
lao động nông thôn”.
2.
Mô hình Công dân học tập đáp ứng được những nhiệm vụ, quyền lợi gắn với vai
trò, năng lực của họ trong xây dựng nông thôn mới
Rõ ràng, từ trước đến nay,
ngoài bộ tiêu chí xây dựng Công dân học tập – do Trung ương Hội Khuyến học VN
ban hành thì chưa có một tài liệu hướng dẫn hay văn bản nào để các công dân nói
chung và người nông dân, lao động nông thôn nói riêng có định hướng cụ thể
trong việc phấn đấu học tập thường xuyên, học tập suốt đời.
Khi xem xét quá trình tham
gia của người dân trong các hoạt động trong phát triển nông thôn, vai trò của
người dân ở đây được thể hiện: Dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân kiểm
tra, dân quản lý và dân hưởng lợi. Như vậy, vai trò của người dân nói chung và
các công dân học tập nói riêng vẫn theo một trình tự nhất định về việc nâng cao
vai trò của người dân trong việc tham gia xây dựng nông thôn mới, đồng thời với
việc học tập, phấn đấu để trở thành Công dân học tập, thông qua các nhiệm vụ rất
cụ thể của Bộ tiêu chí và hoàn toàn phù hợp với quan điểm của Đảng ta "lấy dân
làm gốc”.
Vì vậy một công dân học tập
đạt được đầy đủ - hoặc tối thiểu 80% yêu cầu của bộ tiêu chí – trong đó không
có tiêu chí nào đạt dưới 5 điểm (riêng đối với những người ở vùng sâu, vùng xa,
vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì đạt từ 70 điểm trở
lên):
*
"Năng lực tự học và học tập suốt đời”, gồm:
- Đọc sách báo, cập nhật những
thông tin và tri thức trên tivi, máy tính, điện thoại di động;
- Xây dựng kế hoạch học tập
theo các chương trình phục vụ yêu cầu công việc tại TTHTCĐ, hoặc do nhà nước,
cơ quan, tổ chức, đơn vị hay đoàn thể quy định;
- Sắp xếp hợp lý các công việc
để có thời gian tham gia các hoạt động chung ở cộng đồng, tại nhà văn hóa, câu
lạc bộ, thư viện..., các hội thảo, hội nghị;
- Động viên, tạo điều kiện
cho người thân trong gia đình và cho đồng nghiệp học tập thường xuyên.
*
"Năng lực sử dụng những công cụ tương tác”, gồm:
- Sử dụng công nghệ thông
tin, đáp ứng yêu cầu công việc và cuộc sống;
- Sử dụng ngoại ngữ theo yêu
cầu công việc và vị trí đảm nhận;
- Biết tính toán, sắp xếp để
công việc đang làm luôn được cải tiến, sáng tạo, đạt chất lượng và hiệu quả
cao, đóng góp nhiều cho xã hội;
- Có tư duy biện chứng và tư
duy phản biện trong công việc, trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, hoạt động
xã hội.
*
"Năng lực xây dựng và thực hiện những mối quan hệ xã hội”, gồm:
- Xây dựng các mối quan hệ
thân thiện với mọi người, điều hòa để tránh xung đột. Có trách nhiệm với gia
đình và xã hội. Tuân thủ pháp luật tốt;
- Hợp tác, chia sẻ trong lao
động và hoạt động xã hội. Tôn trọng bình đẳng giới và sự đa dạng văn hóa. Có ý
thức bảo vệ môi trường.
* Trong quá trình xây dựng
nông thôn mới, nhiệm vụ và quyền lợi của công dân học tập thuộc nhóm nông dân
và lao động nông thôn chính là: "Dân biết, Dân bàn, Dân đóng góp, Dân làm, Dân
kiểm tra, Dân quản lý, Dân hưởng lợi”.
Biết: là quyền lợi, nghĩa vụ và sự hiểu biết của người nông dân về những kiến thức bản địa có thể đóng góp vào quá trình quy hoạch nông thôn, quá trình khảo sát thiết kế các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Mặt khác, người dân có điều kiện tham gia hiệu quả hơn vào các giai đoạn sau của quá trình xây dựng công trình. Người dân nắm được thông tin đầy đủ về công trình mà họ tham gia như: mục đích xây dựng công trình, quy mô công trình, các yêu cầu đóng góp từ cộng đồng, trách nhiệm và quyền lợi của cộng đồng người dân được hưởng lợi.
Bàn: bao gồm sự tham gia ý kiến của người dân liên quan đến kế hoạch phát triển sản xuất, liên quan đến các giải pháp, mọi hoạt động của nông dân trên địa bàn như: bàn luận mở ra một hướng sản xuất mới, đầu tư xây dựng công trình phúc lợi công cộng, các giải pháp thiết kế, phương thức khai thác công trình, tổ chức quản lý công trình, các mức đóng góp và các định mức chi tiêu từ các nguồn thu, phương thức quản lý tài chính,… trong nội bộ cộng đồng dân cư hưởng lợi.
Đóng góp: là một yếu tố không chỉ ở phạm
trù vật chất, tiền bạc mà còn ở cả phạm trù nhận thức về quyền sở hữu và trách
nhiệm, tăng tính tự giác của từng người dân trong cộng đồng. Hình thức đóng góp
có thể bằng tiền, sức lao động, vật tư tại chỗ hoặc đóng góp bằng trí tuệ.
Làm: chính là sự tham gia lao động trực tiếp từ người dân vào các hoạt động phát triển nông thôn như: đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các hoạt động của các nhóm khuyến nông, khuyến lâm, nhóm tín dụng tiết kiệm và những công việc liên quan đến tổ chức tiếp nhận, quản lý và sử dụng công trình. Người dân trực tiếp tham gia vào quá trình cụ thể trong việc lập kế hoạch có sự tham gia cho từng hoạt động thi công, quản lý và duy tu bảo dưỡng, từ những việc tham gia đó đã tạo cơ hội cho người dân có việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Kiểm tra: có nghĩa là thông qua các chương trình, hoạt động có sự giám sát và đánh giá của người dân, để thực hiện các quy chế dân chủ cơ sở của Đảng và Nhà nước nói chung và nâng cao hiệu quả chất lượng công trình. Ở những công trình có nhiều bên tham gia, sự kiểm tra, giám sát của cộng đồng hưởng lợi có tác động tích cực trực tiếp đến chất lượng công trình và tính minh bạch trong việc sử dụng các nguồn lực của Nhà nước và của người dân vào xây dựng, quản lý và vận hành công trình. Việc kiểm tra có thể được tiến hành ở tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư trên các khía cạnh kỹ thuật cũng như tài chính.
Quản lý: đó là các thành quả của các hoạt động mà người dân đã tham gia. Các công trình sau khi xây dựng xong cần được quản lý trực tiếp của một tổ chức do nông dân hưởng lợi lập ra để tránh tình trạng không rõ ràng về chủ sở hữu công trình. Việc tổ chức của người dân tham gia duy tu, bảo dưỡng công trình nhằm nâng cao tuổi thọ và phát huy tối đa hiệu quả trong việc sử dụng công trình.
Hưởng lợi: chính là lợi ích mà các hoạt động mang lại, tuy nhiên cần chia ra các nhóm hưởng lợi ích trực tiếp và nhóm hưởng lợi gián tiếp. Nhóm hưởng lợi trực tiếp là nhóm thụ hưởng các lợi ích từ các hoạt động như thu nhập tăng thêm của năng suất cây trồng do thực hiện thâm canh, tăng vụ, áp dụng các giống mới, các kỹ thuật tiên tiến, phòng trừ dịch bệnh và các hoạt động tài chính, tín dụng... Nhóm hưởng lợi gián tiếp là nhóm thụ hưởng thành quả của các hoạt động đó, để hưởng lợi từ mức độ cải thiện môi trường sinh thái, học hỏi nhóm hưởng lợi trực tiếp từ các mô hình nhân rộng, mức độ tham gia vào thị trường để tăng thu nhập.
* Như vậy, với những tiêu
chí phấn đấu nêu trên, một Công dân học tập hoàn toàn đáp ứng được những nhiệm
vụ, quyền lợi gắn với vai trò, năng lực của họ trong xây dựng nông thôn mới.
3.
Một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới
Từ những yêu cầu thực tiễn nêu trên, các cấp Hội Khuyến học trong tỉnh cần tập trung vào một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng mô hình "công dân học tập” góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu, bối cảnh thực tiễn trong giai đoạn hiện nay.
1. Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị về chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập mà trọng tâm là cán bộ, đảng viên phải làm nòng cốt đi đầu trong phong trào xây dựng các mô hình học tập, phấn đấu trở thành công dân học tập, học thường xuyên, học suốt đời.
2. Tham mưu tích cực để để đảm
bảo gắn các tiêu chí xây dựng đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, đảng
viên xuất sắc... xây dựng gia đình, khu dân cư văn hóa, xây dựng nông thôn mới,
đô thị văn minh với các tiêu chí công nhận các cơ quan đơn vị, cộng đồng học tập,
Công dân học tập theo Kết luận 49/KL-TW ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục
thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X.
3. Đẩy mạnh phong trào thi đua
khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, gắn với các mô hình công dân,
gia đình, dòng họ, cộng đồng, cơ quan, đơn vị học tập theo tinh thần Quyết định
1373, Quyết định 387, Quyết định 677 của Thủ tướng Chính phủ là trách nhiệm
chung của cả hệ thống chính trị tuy nhiên trong đó có vai trò tham mưu, hướng dẫn,
tổ chức thực hiện của Hội Khuyến học các cấp.
4. Chú trọng thúc đẩy phong trào thi đua học tập thường xuyên, học suốt đời cho người lớn không phân biệt lứa tuổi, thành phần kinh tế hướng theo nhu cầu "cần gì học nấy”, học mọi lúc, mọi nơi và phù hợp với từng đối tượng... Để làm được điều này, cần có sự tham gia, phối hợp chặt chẽ giữa Hội khuyến học với các Trung tâm học tập cộng đồng, các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp, người sử dụng lao động trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, chuyển giao kiến thức, kĩ năng làm việc một cách hiệu quả, thực chất.
5. Phát huy vai trò nòng cốt của Hội Khuyến học các cấp, phối hợp chặt chẽ với Ngành Giáo dục, các cơ quan có liên quan tham mưu với cấp ủy, chính quyền tạo điều kiện, môi trường tốt nhất để cho cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động luôn có một tâm thế học tập mở dưới nhiều phương thức, biết biến thách thức thành cơ hội, biến ý tưởng thành hiện thực, luôn chủ động học tập, đổi mới tư duy và sáng tạo trong công việc để thích ứng với những tác động của nền kinh tế số./.
Nguyễn Hoàng Hưng
Hội Khuyến học tỉnh Hòa Bình
Các tin khác

Hội Khuyến học tỉnh Hòa Bình tổ chức Hội nghị quán triệt bài viết của Tổng Bí thư về “Học tập suốt đời”; Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Kết luận số 123-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương.

Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm có bài viết "Học tập suốt đời". Hội Khuyến học tỉnh Hòa Bình xin giới thiệu bài viết của đồng chí Tổng Bí thư đến bạn đọc.