Một gia đình nông dân trẻ hiếu học

  • Cập nhật: Thứ năm, 12/10/2023 | 9:32:07 PM

KHHB - Chúng tôi đến xóm Trại 1, phường Thái Bình, thành phố Hòa Bình hỏi thăm gia đình anh Nguyễn Quốc Khánh, một gia đình nông dân trẻ, đến nhà thì anh đi làm vắng. Cũng may là gặp được chị Bùi Thị Tình, vợ anh.

Ảnh: Chị Bùi Thị Tình, Gia đình nông dân trẻ tham luận tại Hội thảo mô hình gia đình nông dân đạt chuẩn Gia đình học tập
Ảnh: Chị Bùi Thị Tình, Gia đình nông dân trẻ tham luận tại Hội thảo mô hình gia đình nông dân đạt chuẩn Gia đình học tập

Biết chúng tôi là cán bộ khuyến học trên thành phố, chị vui vẻ tiếp và giúp chúng tôi hiểu về gia đình chị, một gia đình hiếu học đang phấn đấu trở thành Gia đình học tập.
         Chị kể: Cuộc sống của gia đình tôi cũng gặp nhiều khó khăn, đất đai khu vực gia đình sinh sống và sản xuất khô cằn và ngày càng bị thu hẹp. Cha mẹ tôi cố gắng cũng chỉ cho tôi ăn học đến hết lớp 9. Năm 1993, tôi lập gia đình. Chồng tôi làm công nhân, nhưng nay cũng thất nghiệp ở nhà tham gia lao động nông thôn. Cả gia đình trông vào hơn một sào ruộng trồng lúa và 100 mét đất trồng rau .
        Hai con gái của tôi là cháu Nguyễn Thùy Kiều, học lớp 10 C2 trường trung học phổ thông công nghiệp và cháu Nguyễn Thùy Dương học lớp 7A trường trung học cơ sở Thái Bình. Việc chăm lo cho các con học hành đối với vợ chồng tôi thật không đơn giản, nhưng tôi luôn tự nhủ phải cố gắng phấn đấu cho 2 con ăn học, để sau này cống hiến công sức cho đất nước và các con cũng có nghề nghiệp ổn định, không phải khổ như mình. Lúc nào tôi cũng canh cánh một nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền. Với đồng tiền ít ỏi của chồng đi làm thuê và những đồng tiền bán rau, bán lúa, và gà vịt chăn nuôi, tôi cóp nhặt, phần thì để chăm lo cho con ăn no đến trường, và mua sắm các nhu yếu phẩm cho cuộc sống gia đình, phần thì cho vào lợn nhựa tiết kiệm, để lo cho con quần áo, sách vở vào đầu năm học mới.
       Cuộc sống tuy vất vả với bao lo toan, nhưng bản thân tôi vẫn luôn cố gắng quan tâm tới công tác khuyến học, khuyến tài của địa phương. Tôi là người nông dân thực thụ, trước đây tôi cũng chẳng hiểu biết gì nhiều về công tác khuyến học. Được cán bộ khuyến học phường Thái Bình, trung tâm học tập cộng đồng và chi hội khuyến học của tổ, tuyên truyền, tôi đã đăng ký làm hội viên và đăng ký gia đình trở thành Gia đình học tập. Trước hết tôi và chồng tôi xác định mình là cha, là mẹ phải làm gương cho con cái. Mỗi bậc cha mẹ phải học tập suốt đời, cho con noi theo. Tôi luôn nhắc nhở các con tính tự lập, tinh thần học hỏi, những bài học về đạo đức tưởng như rất bình thường như: " Kính trên nhường dưới" , yêu thầy mến bạn, trung thực trong học tập thi cử, sẵn sàng giúp đỡ mọi người trong khó khăn cũng như giúp bạn bè cùng vươn lên trong học tập. Những bài học trong gia đình từ khi các con còn thơ bé đã là hành trang cho các con tôi, tự tin trên con đường học tập, trong nhà trường và tham gia các hoạt động xã hội .
        Trước đây đi làm về mệt là tôi thường lăn ra ngủ, chồng tôi thì sang hàng xóm hút thuốc lào, nhưng nay tuy công việc đồng áng vất vả suốt ngày ngoài ruộng vườn,"Bán lưng cho đất bán mặt cho trời " tôi và chồng tôi vẫn giành thời gian hợp lý chăm lo để ý đến việc học của con và thời gian để bản thân tự học . Buổi sáng 5giờ 30 phút chúng tôi dậy xem ti vi chương trình "Chào buổi sáng bông lúa " để hiểu thêm những kinh nghiệm làm ăn của nông dân các địa phương trên cả nước. Buổi tối 7 giờ 30 khi điệu nhạc của tiếng trống khuyến học vang lên từ nhà văn hóa, là lúc gia đình tắt ti vi để các con học tập cho yên tĩnh. Hai vợ chồng lại giành thời gian đọc sách báo, tìm hiểu thêm về khoa học kỹ thuật trồng trọt chăn nuôi. Tôi luôn hăng hái tham gia sinh hoạt các chuyên đề về kỹ thuật trồng cây, chăn nuôi, chuyên đề về vai trò của người phụ nữ mới trong gia đình và xã hội, do hội nông dân, trung tâm học tập cộng đồng và hội phụ nữ tổ chức.
        Đặc biệt nhà tôi có vườn rau áp dụng quy trình trồng rau sạch nên được mọi người biết và đến tận vườn để mua, nên tôi cũng có thêm thu nhập. Cuộc sống gia đình ổn định hơn, tôi đã phấn đấu, để ra một khoản tiền, tuy không lớn, nhưng quỹ có số dư tăng dần, để lo cho 2 con ăn học, vì tôi biết rằng, các con càng học lên lớp trên, là việc chi phí cho học tập càng lớn và tôi cũng xác định được, đầu tư cho con cái học hành, chính là khoản tiền bỏ ống rất hiệu quả và chắc chắn của cha mẹ. Vợ chồng tôi đã dành mức độ quan tâm nhất cho 2 con học tập. Căn nhà tuy nhỏ nhưng được ngăn riêng phòng để kê bàn, làm góc học tập cho các con với một tủ sách xinh xắn, những quyển sách giáo khoa, sách tham khảo được các con sắp xếp ngay ngắn nâng niu, chị học xong lại để cho em tiếp quản .Tôi cũng đặt ra kế hoạch cho mình năm 2016 sẽ mua máy vi tinh và nối mạng, tạo điều kiện cho cả nhà đặc biệt là các con, nâng cao trình độ, tầm hiểu biết các thông tin trên mạng xã hội .
          Chính vì làm gương cho con cái trong chuyện học hành và tham gia công tác xã hội. Sống, làm việc hết mình để lo cho con nên các con đã thấy được sự hy sinh và tấm lòng của cha mẹ. Sau những giờ tới trường, các con còn phân công nhau, giúp cha mẹ giặt quần áo, nấu cơm, rửa bát, tưới rau, người nào việc ấy, mọi thành viên trong gia đình cùng nhau chia sẻ một cách tự giác nên dẫu cuộc sống còn khó khăn nhưng trong căn nhà nhỏ vẫn luôn rộn tiếng cười.
          Thành tích học tập của các con tôi luôn làm gia đình chúng tôi, nhà trường và khu dân cư cảm thấy tự hào. Cháu Nguyễn Thùy Kiều suốt từ năm học lớp 1 đến lớp 9 đều là học sinh giỏi. Cháu Nguyền Thùy Dương từ năm lớp 1 đến nay lớp 7 luôn đạt học sinh giỏi. Năm học 2012-2013 cháu đạt học sinh giỏi cấp tỉnh môn tiếng Việt. Ngoài việc học tập đạt kết quả cao, cháu còn tham gia tích cực công tác đội, và là một liên đội trưởng giỏi. Phong trào "Thi đua hai tốt" cháu được đi báo cáo điển hình toàn thành phố , thi an toàn giao thông, thi vẽ tranh của thành phố tổ chức, cháu đều được giải . Những tấm giấy khen , giấy chứng nhận treo trên tường là nguồn động viên vô cùng lớn đối với các cháu và vợ chồng tôi.
          Cuối năm 2014 trong dịp tổng kết công tác khuyến học gia đình tôi được hội khuyến học phường Thái Bình khen tặng và cấp giấy chứng nhận "Gia đình hiếu học " tiêu biểu, năm 2015 gia đình tôi tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được và phấn đấu trở thành "Gia đình học tập”.
Nghe chị kể, những người làm khuyến học chúng tôi thật cảm phục, mừng cho gia đình chị - một gia đình hiếu học, một gia đình văn hóa, một điển hình khuyến học của địa phương và chúng tôi tin chắc rằng gia đình nông dân trẻ này sớm đạt được Gia đình học tập theo tiêu chuẩn của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đề ra./.

                                                                                                                               Ngọc Bích
                                                                                                                   HKH Thành phố Hòa Bình

Các tin khác
Ảnh: Vợ chồng ông Lý sinh Chương cùng con, cháu.

Gia đình ông Lý Sinh Chương người dân tộc Dao là “Gia đình học tập” tiêu biểu của phường Thống nhất thành phố Hòa Bình

Ảnh: Ông Bùi Tiến Ịn, nguyên Phó Bí thư Thường trực huyện uỷ Lạc Sơn, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Ngọc Lâu báo cáo hoạt động của HKH xã tại Hội nghị giao ban Khối Thi đua khuyến học số 1.

Từ trung tâm huyện đi theo con đường dốc uốn lượn quanh sườn núi dài khoảng 15km là đến trung tâm xã Ngọc Lâu, huyện Lạc Sơn.

Gia đình ông Bùi Quang Ngoạn, dân tộc Mường xã Mông Hóa huyện Kỳ Sơn - một gia đình hiếu học tiêu biểu xuất sắc của huyện Kỳ Sơn. Một gia đình hiếu học tiêu biểu xuất sắc

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự